Một số loại bê tông phổ biến hiện nay (P.1)

Bê tông có thể được chia thành nhiều loại khác nhau dựa vào thành phần hạt, dung trọng, cấu trúc, chất kết dính… Dưới đây là một số loại bê tông phổ biến hiện nay:

Bê tông tươi

Bê tông tươi là bê tông trộn sẵn, có tên gọi khác là bê tông thương phẩm. Đây là sản phẩm của hỗn hợp gồm cốt liệu cát, đá, xi măng, nước và phụ gia theo một tỉ lệ nhất định để có được sản phẩm bê tông có đặc tính khác nhau. Sản phẩm của bê tông tươi được ứng dụng trong nhiều công trình công nghiệp và cả công trình dân dụng do nó có nhiều ưu điểm vượt trội.

Ưu điểm

+ Thời gian thi công nhanh, không mất nhiều sức lực và nhân công: Do quy trình trộn bê tông tươi được thực hiện tại các trạm lớn trộn và chuyển lên các xe bồn bê tông chuyên dụng nên có nhiều ưu điểm về chất lượng của bê tông cũng như đảm bảo được tốc độ xây dựng.

+ Tiết kiệm mặt bằng tập kết vật liệu: Để đổ bê tông với khối lượng lớn thì đây là một vấn đề lớn về mặt bằng để tập kết vật liệu. Tuy nhiên sử dụng bê tông tươi có thể giải quyết được vấn đề này một cách dễ dàng.

+ Tiết kiệm vật liệu rơi vãi: Nếu chúng ta trộn bê tông bằng cách thủ công thì vật liệu rơi vãi sẽ rất lớn. Do đó vấn đề tiết kiệm cũng như thời gian để dọn dẹp cũng là một vấn đề lớn.

+ Thời gian đổ bê tông nhanh hơn: Như đã nói, nếu như trộn bê tông bằng cách thủ công thì rất lâu và tốn nhiều thời gian. Do đó, sử dụng bê tông tươi được đổ với dung lượng lớn sẽ được trộn ở các trạm lớn và vận chuyển bằng xe nên không cần tốn quá nhiều thời gian.

+ Chất lượng bê tông tươi được đảm bảo và đồng đều. Do nó được đổ bằng máy và có tỉ lệ nhất định, được kiểm soát chất lượng.

+ Thuận lợi cho việc tính toán, lên dự toán bê tông thương phẩm bởi nó rất dễ kiểm tra số lượng khối bê tông.

+ Giá thành hợp lý, nhiều địa chỉ cung cấp bê tông tươi trên cả nước.

Nhược điểm

- Khó quản lý chất lượng bê tông thương phẩm: Người mua khó có thể kiểm định chất lượng bê tông, giám sát quy trình sản xuất. Do đó, nếu mua ở những đơn vị không uy tín thì dễ gặp phải trường hợp bê tông kém chất lượng.

- Quá trình bảo quản bê tông tươi gặp khó khăn. Nếu trong quá trình vận chuyển và thi công nếu không bảo quản bê tông tươi đúng cách thì rất có thể làm hư hỏng, giảm chất lượng.

- Giá thành: Mặc dù bê tông tươi có giá thành hợp lý, tuy nhiên đối với những công trình có quy mô nhỏ, cách xa trạm trộn thì giá thành có thể ngang bằng hoặc cao hơn giá bê tông trộn thủ công.

Ứng dụng

Bê tông tươi thường được ứng dụng để sử dụng tạo nên kết cấu các công trình xây dựng. Thường gặp nhất là các công trình nhà ở, văn hóa, trường học,… Ở mỗi công trình thường đòi hỏi kỹ thuật cao và từng loại bê tông khác nhau. Do đó, sử dụng bê tông tươi thường rút gọn được thời gian thi công, đảm bảo chất lượng cũng như tiết kiệm được thời gian.

Hiện nay, việc sử dụng các loại bê tông tươi cũng được rất ưa chuộng. Thông thường thì các chủ thi công sẽ chọn bê tông cường độ cao mác 200 đến 350. Tùy thuộc vào công trình thi công sẽ có lựa chọn các loại bê tông khác nhau.

Bê tông tươi

 

Bê tông cốt thép

Bê tông cốt thép là một vật liệu composite kết hợp giữa bê tông và thép. Trong đó thì bê tông và thép đều cùng tham gia chịu lực. Sự kết hợp này được bắt đầu từ việc bê tông có cường độ chịu kéo thấp, do đó hạn chế khả năng sử dụng của bê tông. Đặc điểm này được khắc phục bằng cách thêm vào bê tông những thành cốt thép để tăng cường độ chịu kéo.

Bê tông cốt thép thường là loại vật liệu xây dựng được sử dụng rộng rãi trong xây dựng dân dụng và công trình giao thông. Trong các công trình này, bê tông cốt thép thường đóng vai trò và kết cấu chịu lực chính cho cả công trình.

Ưu điểm

+ Tiết kiệm chi phí: So với thép hay các vật liệu xây dựng khác thì bê tông cốt  thép rẻ tiền hơn khi kết cấu có nhịp vừa và nhỏ, cùng chịu tải như nhau.

+ Khả năng chịu lực tốt: Nếu so với kết cấu gỗ và gạch đá thì chúng có khả năng chịu lực tốt hơn. Kết cấu của bê tông cốt thép có thể chịu được tất cả các tải trọng tĩnh, động và động đất.

+ Khả năng chịu lửa tốt hơn gỗ và thép: Bê tông sẽ bảo vệ cho cốt thép không bị nung nóng sớm. Chỉ cần bê tông có độ dày từ 1,5 – 2cm là có thể bảo vệ được công trình, tránh các hậu quả hư hại cho đám cháy bình thường gây ra.

+ Tuổi thọ công trình cao, chi phí bảo dưỡng ít: Bê tông cốt thép có cường độ tăng theo thời gian. Có khả năng chống chịu tác động của môi trường tốt. Mặt khác bê cốt thép được bê tông bảo vệ sẽ không bị gỉ.

+ Tạo dáng cho kết cấu dễ dàng: Khi vữa bê tông ở dạng nhão thì chúng ta có thể đổ vào các khuôn có hình dạng bất kỳ, đủ dẻo để uống theo nhiều hình dạng khác nhau.

Nhược điểm

- Trọng lượng của bê tông cốt thép lớn: Gây nên khó khăn cho việc xây dựng nếu kết cấu có nhịp lớn bằng bê tông cốt thép thông thường

- Dễ có khe nứt ở vùng kéo khi chịu lực: Việc sử dụng bê tông cốt thép có những khe nứt trong vùng chịu lực kéo là việc khó tránh khỏi. Thông thường thì nó không nứt quá rộng và ít ảnh hưởng đến chất lượng của kết cấu. Tuy nhiên chúng ta cũng cần phải hạn chế khe nứt để tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra. Chúng ta chỉ cần sử dụng bê tông cốt thép ứng lực trước là có thể hạn chế khe nứt.

- Cách âm và cách nhiệt kém hơn gỗ và gạch đá. Chúng ta có thể khắc phục bằng cách sử dụng kết cấu có lỗ rỗng, nhiều tầng hoặc bê tông xốp.

- Thi công phức tạp, khó kiểm tra chất lượng. Chúng ta có thể khắc phục nhược điểm này bằng cách dùng bê tông cốt thép lắp ghép.

- Khó gia cố và sửa chữa: Thiết kế cần phù hợp với yêu cầu sử dụng hiện tại và mở rộng sử dụng.

Ứng dụng

Hiện nay, bê tông cốt thép được sử dụng rộng rãi trong các công trình dân dụng, nhà công nghiệp và cao tầng. Nó được sử dụng cho hầu hết các công trình xây dựng hiện nay. Cho đến bây giờ thì chưa có loại bê tông nào có thể thay thế được bê tông cốt thép.

Đặc biệt, bê tông cốt thép phát huy được ưu thế của mình ở các công trình lớn và có khả năng chịu lực cao. Chúng có độ bền rất lớn nếu chúng ta thi công đúng kỹ thuật. Do đó, các kỹ sư xây dựng phải tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo nền móng và cột bê tông cốt thép bền vững nhất.

Bê tông cốt thép

 

Bê tông nhựa

Bê tông nhựa là hỗn hợp cấp phối bao gồm: Đá, cát, bột khoáng và nhựa đường. Nó được sử dụng chủ yếu để làm kết cấu mặt đường mềm. Bê tông nhựa bao gồm 3 cấu trúc, được phối hợp, tương tác với nhau để tạo thành hệ thống cấu trúc vật liệu bê tông nhựa, bao gồm:

+ Cấu trúc tế vi: Kết hợp giữa bột khoáng chất và nhựa để tạo thành liên kết Asphalt.

+ Cấu trúc trung gian: Là sự kết hợp chất liên kết giữa Asphalt với cát để tạo thành vữa Asphalt.

+ Cấu trúc vĩ mô: Là sự kết hợp giữa vữa Asphalt với đá dăm để tạo nên bê tông nhựa.

Dựa vào cấu tạo trên, ta có thể dễ dàng thấy nếu thiếu hụt hoặc tỷ lệ giữa các thành phần không hợp lý thì cấu trúc của bê tông nhựa sẽ bị phá vỡ, ảnh hưởng đến các cấu trúc tiếp theo. Theo đó, làm cho hệ thống cấu tạo bê tông nhựa không đảm bảo được điều kiện chịu lực.

Ưu điểm

+ Kết cấu của bê tông nhựa chặt kín. Do đó đảm bảo được chất lượng của công trình.

+ Có khả năng chịu nén, chịu cắt và chịu uốn tốt.

+ Chịu lực ngang tốt.

+ Chịu tải trọng động tốt, ít bị hao mòn và ít sinh ra bụi. Thích hợp cho các công trình mặt đường giao thông.

+ Bằng phẳng, độ cứng không quá cao. Xe chạy tốc độ cao rất êm và ít gây tiếng ồn. Đây là ưu điểm tuyệt vời khi áp dụng cho các con đường cao tốc.

+ Có thể cơ giới hóa toàn bộ khâu thi công. Giúp việc thi công được nhanh hơn.

+ Công tác duy tu, sửa chữ ít.

+ Tuổi thọ của công trình dài.

Nhược điểm

- Mặt đường có màu sẫm. Do đó khó có thể định hướng xe chạy vào ban đêm.

- Cường độ giảm khi nhiệt độ cao.

- Cường độ giảm khi bị nước tác dụng lâu dài.

- Hệ số bám giữa bánh xe và mặt đường giảm khi nó bị ẩm ướt.

- Mặt đường dễ bị già hóa dưới tác dụng của thời gian, tải trọng và các yếu tố khí hậu khác.

- Yêu cầu thi công chuyên dụng, công tác tư vấn, giám sát phức tạp. Yêu cầu đòi hỏi những người có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm.

Ứng dụng

Bê tông nhựa nóng sử dụng nhiều nhất trong các công trình đường giao thông. Đặc biệt là đường giao thông cấp 1, cấp 2 và đường cao tốc. Ngoài ra thì nó còn được sử dụng trong bãi đỗ xe, sân tennis,… Hiện nay thì bê tông nhựa nóng được sử dụng lên đến 50% các công trình đường thi công đường bộ tại Việt Nam.

Trong khi đó thì bê tông nhựa nguội được sử dụng để sửa chữa các loại ổ gà, vệt lún bánh xe hoặc các vết nứt mặt đường nhựa. Điểm đặc biệt là chúng ta không cần sử dụng thêm bất cứ một vật liệu nào. Do đó, rất dễ sử dụng và tiết kiệm được thời gian, kinh phí sửa chữa.

Bê tông nhựa

 

Bê tông xi măng

Khác với bê tông thông thường thì bê tông xi măng là sự kết hợp giữa bê tông và xi măng, trong đó xi măng giữ vai trò chủ đạo. Ngoài ra nó còn kết hợp với các cốt liệu đá, cát, nước,… và được nhào trộn theo một tỉ lệ nhất định.

Các chất phụ gia làm tăng tính dẫn điện, tăng độ bền, độ dẻo và khả năng chống ăn mòn axit. Một số chất có tác dụng làm chậm hydrat hóa và ngoài ra còn để tăng tính thẩm mĩ của hỗn hợp này.

Ưu điểm

+ Vật liệu có độ bền cao, khả năng chịu lực tốt. Vì vậy công trình có tuổi thọ cao và tồn tại bền vững qua năm tháng.

+ Bê tông xi măng ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết như nhiệt độ cao, mưa, gió nồm ẩm,…

+ Giá thành rẻ, hợp lý. Phù hợp để sử dụng trong mọi công trình từ nhà ở dân dụng đến công trình lớn, mang tầm cỡ quốc gia.

Nhược điểm

- Vật liệu có khối lượng nặng. Do đó, quá trình vận chuyển và thi công cần có sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại.

- Khả năng cách âm và cách nhiệt không cao.

Ứng dụng

Dễ dàng nhận thấy, bê tông xi măng xuất hiện hầu hết ở các công trình xây dựng. Đây cũng  là vật liệu xây dựng chính, được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Nó được sử dụng trong các công trình nhà ở dân dụng, công trình giao thông cũng như các cây cầu xi măng, và nhiều công trình khác.

 

Còn tiếp...